Có thể nói, nhiệm vụ của Inbound Marketing là tập trung vào việc tạo ra các giá trị hữu ích để thu hút người dùng chủ động tìm đến doanh nghiệp, sau đó chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng của chính thương hiệu đó. Vậy thực chất Inbound Marketing là gì mà có thể thực hiện được quá trình chuyển đổi này? Và làm thế nào để ứng dụng thành công chiến lược Inbound Marketing cho doanh nghiệp? Cùng ACCESSTRADE tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!
Inbound Marketing là gì?
Thuật ngữ Inbound Marketing lần đầu tiên được sử dụng bởi HubSpot – Công ty chuyên phát triển các phần mềm hỗ trợ Marketing và bán hàng. Theo đó, Inbound Marketing là chiến lược thu hút khách hàng bằng cách chia sẻ những thông tin liên quan, tạo ra các nội dung hữu ích và thoả mãn nhu cầu của người dùng.
Ưu điểm bật nhất của Inbound Marketing là không cần phải trả chi phí quảng cáo quá nhiều, giải pháp tiếp thị này vẫn có thể dẫn lối cho khách hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp một cách tự nhiên thông qua các kênh như website, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm SEO, các trang Blog, Email Marketing…
Inbound Marketing là gì?
Bằng cách xuất bản đúng nội dung, ở đúng nơi và vào đúng thời điểm, Inbound Marketing sẽ tạo ra giá trị thật sự cho khách hàng. Từ đó, họ sẽ càng tin tưởng và nhớ đến doanh nghiệp vì nhận được những nguồn thông tin giá trị, dần dần sẽ chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Phân biệt Inbound Marketing và Outbound Marketing
Trái ngược với Inbound Marketing là Outbound Marketing – một phương pháp tiếp thị khá truyền thống. Các hình thức tiếp thị thuộc Outbound Marketing thường truyền tải thông điệp đến khách hàng một cách tràn lan và bắt người dùng phải tiếp nhận thông tin của mình, dù cho trong số đó có người không phải là khách hàng tiềm năng.
Các hình thức tiếp thị thuộc Outbound Marketing khá phổ biến như:
- Quảng cáo trên radio, TV
- Đặt banner quảng cáo ngoài trời (Billboards)
- Gửi hàng loạt email bán hàng cho tệp email data mua trên Internet
- Các cuộc gọi mời chào khách hàng (Telesales)
- In ấn catalogues rồi phân phát
- …
Có thể nhận thấy, đây những cách tiếp thị truyền thông khá quen thuộc với người dùng và có thể tăng khả năng nhận diện cho thương hiệu. Tuy nhiên, giải pháp Marketing này không những hạn chế trong việc kiểm soát nhóm khách hàng tiềm năng mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải trả một chi phí quảng cáo rất cao. Ngoài ra, việc truyền tải thông tin tràn lan đôi khi sẽ làm khách hàng khó chịu và khiến doanh nghiệp mất điểm trong mắt người tiêu dùng.
Để hình dung rõ hơn về sự khác biệt giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing để biết được đâu là giải pháp tiếp thị hiệu quả hơn, hãy cùng ACCESSTRADE tìm hiểu ngay 3 phần nội dung ở phía dưới đây:
Phương hướng tiếp cận
Dựa vào những khái niệm về Outbound Marketing đã nói ở trên, có thể thấy giải pháp Marketing này chỉ tiếp cận khách hàng một chiều. Doanh nghiệp sẽ truyền tải thông điệp đến người dùng, lúc này người dùng buộc phải tiếp nhận thông tin dù cho họ hứng thú với nó hay không.
Ví dụ: Khi bạn đang xem một bộ phim trên TV, khoảng 15-20 phút sẽ có những đoạn video quảng cáo chen ngang. Việc gián đoạn này tạo cho người xem một cảm giác rất khó chịu khi phải tiếp nhận thông tin mình không mong muốn. Đôi khi còn làm họ chuyển kênh ngay hoặc tắt luôn TV.
Sự khác biệt giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing trong phương hướng tiếp cận khách hàng
Còn đối với Inbound Marketing, đây là quá trình tương tác hai chiều và doanh nghiệp sẽ tiếp thị từ chính nhu cầu của khách hàng. Nói dễ hiểu hơn thì khi khách hàng có nhu cầu ⇔ doanh nghiệp sẽ đáp ứng. Nhiệm vụ của doanh nghiệp lúc này là tạo ra những thông tin hữu ích phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng, từ đó thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp một cách tự nhiên.
Ví dụ: Cũng với những đoạn video đó, thay vì lựa chọn hình thức quảng cáo trên TV thì doanh nghiệp chọn đăng những video này lên kênh Youtube của chính doanh nghiệp. Khi đó, nếu khách hàng có nhu cầu về sản phẩm sẽ trực tiếp tìm kiếm trên những kênh liên quan. Nếu nội dung video đủ lôi cuốn và hấp dẫn, khách hàng chắc chắn sẽ để lại thông tin liên hệ của họ.
Từ hai ví dụ trên có thể nhận thấy, Inbound Marketing đang nắm bắt rất tốt xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng – muốn chủ động kiểm soát thông tin mà mình cần thay vì phải tiếp nhận tràn lan những nội dung không đúng nhu cầu. Ngược lại, một vài hình thức tiếp thị thuộc Outbound Marketing có thể gây spam thông tin và tiếp cận không đúng đối tượng khách hàng, từ đó làm lãng phí tài nguyên của doanh nghiệp.
Nội dung truyền tải
Đa phần thông điệp truyền tải từ các giải pháp tiếp thị thuộc Outbound Marketing là về các thông tin liên quan trực tiếp đến sản phẩm (chiếm khoảng 80%), chỉ có 20% còn lại là về những thông tin hữu ích cho người đọc.
Trái lại, ngoài 10 – 20% là về các thông tin cơ bản của sản phẩm, Inbound Marketing còn tập trung phát triển những nội dung hữu ích ở nhiều chủ đề liên quan khác trong ngành, nhằm mục đích chăm sóc và nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng.
Ví dụ: Doanh nghiệp của bạn bán sản phẩm là bình giữ nhiệt. Nếu sử Outbound Marketing để quảng bá, những thông tin được truyền tải đến khách hàng thường là về các thông số kỹ thuật, kích thước, màu sắc… của sản phẩm.
Còn khi sử dụng Inbound Marketing, doanh nghiệp có thể lên một chuỗi những nội dung có liên quan như: Cách vệ sinh bình giữ nhiệt; Ưu và nhược điểm khi sử dụng bình giữ nhiệt; Cách phân loại các bình giữ nhiệt… Tuy những nội dung này không liên quan trực tiếp đến mục tiêu bán hàng của doanh nghiệp, nhưng nó có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận và nuôi dưỡng được những đối tượng khách hàng tiềm năng.
Mục đích khi tiếp cận khách hàng
Có thể nói, mục đích của Inbound Marketing là thu hút khách hàng, còn mục đích của Outbound Marketing là tìm kiếm khách hàng.
Lý giải cho điều này, vì bản chất của Outbound Marketing là làm đủ mọi cách để “đập” thông tin vào mắt người tiêu dùng nhằm tạo sự chú ý. Từ đó mong muốn tìm ra những khách hàng tiềm năng trong số những người nhìn thấy nội dung được quảng bá.
Ví dụ: Với một danh sách gồm 100 số điện thoại bất kỳ mà doanh nghiệp mua lại từ bên thứ ba để triển khai giải pháp Outbound Marketing, doanh nghiệp áp dụng cách gọi trực tiếp đến từng người để tư vấn về sản phẩm và tìm kiếm được khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, chắc chắn với 100 số điện thoại này, doanh nghiệp sẽ không thể biết đâu là người dùng có hứng thú với sản phẩm của mình. Mọi hoạt động lúc này đều như “mò kim đáy bể” và chỉ đang chờ đợi vào sự may mắn sẽ tìm được 1 khách hàng tiềm năng có nhu cầu về sản phẩm mà nhân viên đang tư vấn.
Mục đích khi tiếp cận khách hàng của Outbound Marketing và Inbound Marketing là gì?
Đối với Inbound Marketing, phương pháp tiếp thị này sẽ không sử dụng lãng phí tài nguyên để tiếp cận những người dùng không có nhu cầu như vậy. Inbound Marketing sẽ tập trung cung cấp những nội dung có giá trị và thu hút khách hàng tự tìm đến sản phẩm của doanh nghiệp. Hình thức tiếp thị này sẽ lấy khách hàng làm trung tâm và triển khai mọi hoạt động Marketing dựa trên nhu cầu của khách hàng.
Ví dụ: Doanh nghiệp sẽ nghiên cứu những từ khóa nào đang được khách hàng quan tâm tìm kiếm và dựa vào đó để sáng tạo những nội dung hữu ích đăng lên website. Sau đó sử dụng SEO (tối ưu hoá công cụ tìm kiếm để đưa những nội dung này lên các vị trí đầu tiên trên trang chủ Google. Khi đó, nếu khách hàng tìm kiếm về các thông tin này trên Google, nội dung của doanh nghiệp sẽ là một trong những bài viết đầu tiên “trả lời” cho truy vấn đó và có thể thu hút người đọc để lại thông tin liên hệ.
Từ việc phân tích những điểm khác biệt trên, có thể nhận thấy Inbound Marketing có những ưu điểm như sau:
- Tiếp cận các đối tượng khách hàng tiềm năng chính xác hơn
- Đáp ứng được sở thích xem những thông tin đến một cách tự nhiên hơn là thông qua quảng cáo của khách hàng
- Tiết kiệm chi phí thực hiện
- Lợi ích mang lại bền vững theo thời gian
Bên cạnh đó, Outbound Marketing cũng có những ưu điểm như:
- Tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn
- Làm tăng mức độ nhận diện cho thương hiệu
Mỗi một giải pháp Marketing dù là Inbound hay Outbound cũng đều đem đến những lợi ích khác nhau cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, bạn không nên loại bỏ bất kỳ hình thức tiếp thị nào mà hãy kết hợp sử dụng cả hai phương pháp một cách khéo léo vào chiến lược Marketing của doanh nghiệp.
3 giai đoạn chính khi triển khai Inbound Marketing cho doanh nghiệp
Theo HubSpot – Công ty chuyên phát triển các phần mềm hỗ trợ Marketing và Bán hàng, đồng thời cũng là nơi đầu tiên sử dụng thuật ngữ Inbound Marketing, đã mô tả quá trình tiếp thị bằng phương pháp này sẽ diễn ra trong ba giai đoạn: Attract (Thu hút) – Engage (Tiếp cận) – Delight (Làm hài lòng).
Chính vì vậy, để một chiến lược Inbound Marketing có thể triển khai thành công, các doanh nghiệp cần phải phối hợp một cách khôn ngoan nhiều kênh tiếp thị lại với nhau trong từng giai đoạn. Cụ thể như sau:
Giai đoạn 1: Attract – Thu hút sự chú ý
Thu hút ở đây không phải là cố tình gây sự chú ý và tiếp cận càng nhiều người càng tốt. Với Inbound Marketing, chỉ cần thu hút đúng nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng trở thành khách hàng tiềm năng là đã thành công. Ngoài ra, giai đoạn thu hút sự chú ý này cũng không cần chen ngang vào giữa quá trình của người dùng, mà chỉ cần xuất hiện đúng lúc họ cần. Sau đó sẽ cung cấp những thông tin chất lượng và hữu ích thỏa mãn được nhu cầu tìm kiếm của họ.
Sử dụng Inbound Marketing để thu hút sự chú ý của khách hàng một cách tự nhiên
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng nội dung và quảng bá đúng đắn bằng cách đầu tư vào các hoạt động sau đây:
Content Marketing
Trong mọi chiến dịch Marketing nói chung và Inbound Marketing nói riêng, nội dung luôn là yếu tố cốt lõi. Với Inbound Marketing, dù ở trong bất kỳ hình thức nào, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo nội dung đáp ứng được nhu cầu của người đọc cũng như giải đáp được những truy vấn của họ.
Do đó, để áp dụng tốt chiến lược Inbound Marketing, ngoài những nội dung cơ bản về sản phẩm/dịch vụ, website của doanh nghiệp nên có thêm mục Blog để đa dạng và làm phong phú kho thông tin liên quan đến lĩnh vực của mình. Sau đó sử dụng những nội dung này để thu hút nhiều lượt truy cập từ những khách hàng quan tâm.
Xem thêm: Đột phá 18 bí kíp viết content thu hút, hấp dẫn nhiều người xem
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO)
Khi website đã có một kho nội dung, doanh nghiệp cần triển khai một công cụ khác thuộc Inbound Marketing là tối ưu hoá công cụ tìm kiếm, để khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin mà doanh nghiệp cung cấp mỗi khi họ cần. Đây là cách giúp website của bạn trở nên nổi bật giữa hàng ngàn những website khác, đồng thời để thông tin mà doanh nghiệp cung cấp tiếp cận và thu hút đúng đối tượng khách hàng có nhu cầu.
Ngoài ra, SEO còn giúp hạn chế việc lãng phí tài nguyên và tiền bạc đối với những khách hàng ảo, đồng thời mang lại hiệu quả bền vững và lâu dài cho doanh nghiệp.
Xem thêm: Hướng dẫn 14 bước lập kế hoạch SEO từ A-Z
Quảng bá trên các kênh mạng xã hội (Social Media)
Social Media là một trong những kênh Marketing tiềm năng mà doanh nghiệp không thể bỏ qua nếu muốn triển khai chiến lược Inbound Marketing. Cách truyền thông trên các trang mạng xã hội không những giúp tăng lượng truy cập đến website, mà đây còn là kênh để khách hàng theo dõi những thông tin của doanh nghiệp. Từ đó giúp tăng mức độ nhận diện thương hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng nội dung trên website để đăng tải trên các kênh mạng xã hội nhằm tạo ra các backlink chất lượng và hỗ trợ quá trình SEO hiệu quả hơn.
Social Media là một kênh truyền thông đầy tiềm năng thuộc Inbound Marketing
Trong giai đoạn đầu tiên này, để thu hút sự chú ý của đúng đối tượng khách hàng tiềm năng, các doanh nghiệp cần lấy nội dung làm yếu tố cốt lõi. Sau đó kết hợp với SEO và các kênh mạng xã hội khác để tăng mức độ nhận diện thương hiệu và tăng lượng truy cập của khách hàng đến website.
Giai đoạn 2: Engage – Kết nối, tương tác và nuôi dưỡng tệp khách hàng tiềm năng
Sau khi thu hút được người dùng truy cập vào website, doanh nghiệp sẽ chuyển sang giai đoạn hai của chiến lược Inbound Marketing là tiếp cận, kết nối và tương tác với nhóm khách hàng tiềm năng này nhằm nuôi dưỡng tệp khách hàng và tạo ra sự chuyển đổi. Lúc bày, nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải làm sao để người dùng để lại thông tin hoặc tiếp tục tham gia vào quá trình tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp.
Tại đây, doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để thu thập dữ liệu từ những nhóm khách hàng tiềm năng như:
Sử dụng CTA (Khuyến khích hành động)
Doanh nghiệp có thể gắn kết những người truy cập vào website bằng cách khuyến khích họ hành động. Và CTA là những nút hoặc liên kết giúp doanh nghiệp kêu gọi người dùng thực hiện hành động.
Nút CTA cần thể hiện được sự khẩn trương, hấp dẫn và quan trọng nhất là thôi thúc được người dùng thực hiện hành động. Vì nếu doanh nghiệp không tạo ra được hành động hoặc hành động không đủ thu hút người dùng, doanh nghiệp sẽ không thể nào biến người dùng trở thành khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, CTA nên đặt ở cuối bài viết, sau khi doanh nghiệp đã truyền tải xong thông điệp đến người dùng. Ngoài ra, không nên sử dụng CTA quá phức tạp cũng như không chèn quá nhiều CTA trong suốt bài content, đặc biệt là những bài viết có nội dung dài.
Xem thêm: CTA là gì? 5 cách áp dụng CTA trong chiến lược Marketing đạt hiệu quả không tưởng
Sử dụng Landing Pages (Trang đích)
Thông qua nội dung CTA thu hút khách truy cập, doanh nghiệp sẽ dẫn dắt một cách khéo léo để kéo khách hàng về Landing Page bán hàng. Đây là một trang tách rời giúp doanh nghiệp tiếp cận được những khách hàng quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm. Tại đây, hãy thiết kế nội dung và bố cục thật lôi cuốn, mang tính thúc đẩy đến hành vi của người dùng để họ chuyển thành khách hàng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trang Landing Page còn được nhiều doanh nghiệp sử dụng chủ yếu để thuyết phục người dùng điền thông tin vào form (chuyển đổi) để cung cấp cho họ nội dung chi tiết hơn cũng như liên quan đến sở thích và mối quan tâm của họ hơn.
Mục đích chính khi sử dụng Landing Page của các doanh nghiệp là nắm giữ được thông tin liên hệ của người dùng để trao đổi bằng content, hay còn được gọi là Lead – Thông tin đối tượng mục tiêu.
Xem thêm: Tăng tỷ lệ chuyển đổi với một Landing Page bán hàng hấp dẫn
Sử dụng Forms (Biểu mẫu điền thông tin)
Biểu mẫu, hay form đăng ký thông tin nhận tư vấn được gắn trực tiếp trên website cực kỳ hiệu quả với những khách hàng có nhu cầu muốn mua sản phẩm. Giống với CTA và Landing Pages, form điền thông tin cũng nên được thiết kế thật thu hút và chứa đầy đủ những thông tin hữu ích để tối đa hoá cơ hội chuyển đổi.
Sử dụng biểu mẫu điền thông tin để thu thập dữ liệu của khách hàng
Hoàn thành giai đoạn Engage là doanh nghiệp đã chuyển đổi được một phần người dùng trên website và các kênh social khác thành các Lead (khách hàng tiềm năng). Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phối hợp đồng thời các cách trên để tạo ra hiệu quả nhất thay vì thực hiện theo từng hình thức riêng lẻ.
Giai đoạn 3: Delight – Cung cấp trải nghiệm vượt kỳ vọng
Delight trong chiến lược Inbound Marketing nghĩa là làm hài lòng và mang lại niềm vui cho người dùng trên hành trình mua hàng của họ. Vui để ra quyết định mua hàng và vui để khách hàng quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp rộng rãi hơn nữa. Từ những Lead đã để lại thông tin trong giai đoạn Engage, doanh nghiệp sẽ kiểm tra và phân loại xem khách hàng của mình đã thực hiện chuyển đổi ở đâu trong quá trình mua hàng để có những chiến lược chốt sale và chăm sóc phù hợp nhất.
Chiến lược chốt sale
Có thể nói, đây là thời điểm quyết định “một ăn cả, ngã về không” cho mọi nỗ lực thực hiện Inbound Marketing của doanh nghiệp. Với những khách hàng đã để lại thông tin liên hệ như tên, số điện thoại, địa chỉ email… trong bất kỳ kênh truyền thông nào của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể triển khai chiến lược chốt sale ngay trong giai đoạn này.
– Liên hệ để tư vấn trực tiếp: Những thông tin đã được thu thập sẽ được chuyển về cho bộ phận Sale để các nhân viên có thể tư vấn trực tiếp về sản phẩm/dịch vụ và thuyết phục người dùng mua hàng. Tuy nhiên, không phải 100% Lead sẽ chuyển đổi thành người mua hàng, vì vậy các doanh nghiệp cần có một hệ thống CRM để giúp các nhân viên có thể theo dõi cũng như quản lý từng giai đoạn trong hành trình ra quyết định mua của khách hàng. Sau khi tư vấn xong về sản phẩm/dịch vụ, có thể phân chia nhóm Lead ra thành 3 loại sau:
- Lead đã chuyển đổi thành người mua hàng: Doanh nghiệp chuyển sang giai đoạn chăm sóc khách hàng.
- Lead có nhu cầu nhưng vẫn muốn tìm hiểu thêm ở website: Cung cấp thêm các ưu đãi hoặc chương trình khuyến mãi để thuyết phục họ ra quyết định mua.
- Lead chưa thể chuyển đổi thành người mua hàng: Doanh nghiệp chuyển sang giai đoạn nuôi dưỡng khách hàng.
– Cung cấp chương trình khuyến mãi: Các chương trình khuyến mãi đủ hấp dẫn và được tung ra đúng thời điểm sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cơ hội chốt đơn hàng thành công hơn bao giờ hết.
Chiến lược nuôi dưỡng khách hàng
Với Inbound Marketing, nhóm khách hàng mà doanh nghiệp cần nuôi dưỡng bao gồm sẽ là những nhóm đối tượng để lại thông tin nhưng không phải vì mục đích mua hàng, như: đăng ký để nhận tài liệu miễn phí, đăng ký để nhận thông tin chi tiết của chương trình, đăng ký để tham gia hội thảo… và nhóm người dùng chưa thực hiện chuyển đổi ở giai đoạn chốt sale.
Dưới đây là một số kênh mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để nuôi dưỡng nhóm khách hàng này:
– Tự động hóa Marketing: Thay vì việc gửi thủ công đến từng người dùng đăng ký nhận tài liệu miễn phí, doanh nghiệp có thể sử dụng các phần mềm tự động hoá Email Marketing để mỗi khi khách hàng đăng ký đều có tài liệu tự động gửi ngay đến họ. Ngoài ra, có thể cài đặt thêm các phần mềm trả lời tự động như chatbot, tawk.to… ngay trên website để có thể tư vấn và giải đáp cho các vấn đề của khách hàng một cách nhanh chóng.
– Email Marketing: Đối với những người dùng chưa chuyển đổi ở giai đoạn chốt sale và chỉ đăng ký thông tin mà không có mục đích mua hàng, thì việc lên kế hoạch gửi Email Marketing là rất quan trọng để có thể nuôi dưỡng và xây dựng lòng tin ở 2 nhóm đối tượng này một cách từ từ. Ngoài ra, nội dung email cũng cần đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu người dùng. Doanh nghiệp nên tạo tiêu đề và mô tả email thật hấp dẫn để có thể thu hút nhiều lượt click vào.
Xem thêm: Email Marketing là gì? 4 loại Email Marketing mà bạn nên biết
– Social Media: Các trang mạng xã hội cũng là một kênh truyền thông tốt cho các doanh nghiệp tận dụng để nuôi dưỡng khách hàng, bằng cách thường xuyên truyền đạt những nội dung và thông điệp hữu ích để người dùng nhớ đến doanh nghiệp.
Chiến lược chăm sóc khách hàng
Trong mỗi chiến lược Inbound Marketing, chăm sóc khách hàng là một việc làm cần thiết và bắt buộc phải có. Vì mỗi người dùng sau khi mua hàng thành công, họ không chỉ dừng lại ở đó mà sẽ đưa ra phản hồi và cảm nhận sau khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến quyết định mua hàng của những người dùng sau.
Chính vì vậy, quá trình chăm sóc khách hàng chính là việc nâng cao sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Thậm chí quá trình này còn có thể cung cấp trải nghiệm vượt kỳ vọng và giúp doanh nghiệp để lại một ấn tượng sâu sắc, từ đó làm khách hàng luôn nhớ đến doanh nghiệp.
Chăm sóc khách hàng là một trong những việc làm không thể thiếu khi triển khai Inbound Marketing
Có thể kể đến một số hoạt động chăm sóc khách hàng thuộc Inbound Marketing mang lại hiệu quả như:
- Chính sách miễn phí vận chuyển
- Chính sách cam kết bảo hành
- Chính sách hoàn phí khi sản phẩm bị lỗi
- Chính sách ưu đãi cho khách hàng vào các dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ, tết…
- Tư vấn và hỗ trợ cho khách hàng 24/7
- …
Lời kết
Trên đây là toàn bộ những thông tin về Inbound Marketing mà ACCESSTRADE muốn giới thiệu đến các bạn. Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích và giúp bạn hiểu hơn về giải pháp Inbound Marketing, đồng thời có thể ứng dụng thành công vào chiến lược Marketing cho doanh nghiệp mình.
Ngoài ra, nếu muốn tìm hiểu thêm những kiến thức và tin tức liên quan khác, bạn có thể truy cập ngay TẠI ĐÂY.